Thông tư 16 ban hành mẫu Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt theo hướng tăng quyền tự do thỏa thuận cho các bên trong hợp đồng.
Một số nội dung thay đổi cơ bản tại mẫu Hợp đồng mua bán điện.
1. Khi có bất kỳ thông tin nào cần trao đổi, nếu không có quy định khác, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị, bên nhận đề nghị phải có sự phản hồi đồng ý/không đồng ý đối với yêu cầu của bên gửi đề nghị.
Tuy nhiên, đối với trường hợp Bên mua điện không đồng ý về số tiền điện phải thanh toán, thời gian giải quyết sẽ kéo dài tối thiểu 15 ngày. Trong thời gian chờ giải quyết, Bên mua điện vẫn có nghĩa vụ thanh toán tiền điện theo chứng từ thanh toán và Bên bán điện không được ngừng cấp điện, trừ trường hợp Bên mua điện không trả tiền điện.
Hình thức thông báo, trao đổi thông tin: Áp dụng linh hoạt một hoặc nhiều hình thức gửi/nhận thông báo thanh toán và thông báo, trao đổi thông tin khác (bao gồm cả việc chậm thanh toán, ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện, thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ, treo, tháo, lắp đặt thiết bị đo đếm điện,…): Email; Điện thoại/SMS; Ứng dụng nhắn tin; Ứng dụng chăm sóc khách hàng của Bên bán điện; Hình thức khác...
2. Bên bán điện có các nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
- Khi nhận được thông báo của Bên mua điện về mục đích sử dụng điện dẫn đến thay đổi giá điện; thay đổi số hộ dùng chung đã đăng ký trong hợp đồng; thay đổi định mức sinh hoạt; hoặc có nhu cầu chấm dứt hợp đồng thì Bên bán điện có trách nhiệm kiểm tra, sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt Hợp đồng mua bán điện trong 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.
- Thông báo cho Bên mua điện về thời điểm kết thúc hợp đồng tối thiểu 07 ngày làm việc trước ngày hợp đồng kết thúc.
- Bảo vệ thông tin của Bên mua điện, không được phép thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của Bên mua điện cho bên thứ ba khác khi chưa được sự đồng ý của Bên mua điện.
- Cảnh báo về khả năng gây mất an toàn sử dụng điện, ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của Bên mua điện hoặc các bên có liên quan.
- Bên bán điện chỉ được thay đổi thời gian xác định chỉ số công tơ khi được sự đồng ý của Bên mua điện. Ngày ghi chỉ số công tơ phải được xác định rõ trong Hợp đồng mua bán điện và do hai bên thỏa thuận.
3. Hình thức thanh toán tiền điện áp dụng linh hoạt một hoặc nhiều hình thức thanh toán sau: Trích nợ tự động; Thanh toán điện tử; Chuyển khoản; Qua điểm thu; Hình thức khác...
4. Bỏ giới hạn mức phạt vi phạm: Thông tư 16 quy định, các bên sẽ toàn quyền tự thỏa thuận với nhau về mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trên cơ sở phù hợp quy định pháp luật, thay vì ấn định mức phạt 8% phần giá trị nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm như hiện tại. Quy định này là phù hợp với tính chất của biện pháp phạt vi phạm - đó là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Do đó, các bên phải được quyền và tự chịu trách nhiệm khi thỏa thuận và lựa chọn mức phạt vi phạm khi ký kết Hợp đồng mua bán điện.
5. Bỏ thủ tục hòa giải tại Sở Công Thương như một hình thức bắt buộc trong giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa các bên
Theo quy định trước đây, trường hợp phát sinh tranh chấp, nếu hai bên sau khi tự thương lượng mà không đạt được kết quả thì có thể đề nghị Sở Công Thương tổ chức hòa giải. Thông tư 16 chỉ quy định rằng trình tự giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Các hợp đồng đã ký trước thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực được tiếp tục thực hiện đến thời điểm hết thời hạn ghi trong hợp đồng. Trong quá trình thực hiện, hai bên có thể thỏa thuận bổ sung các nội dung mới phù hợp với mẫu hợp đồng mới hoặc ký lại hợp đồng trước hạn theo Thông tư 16./.
Tác giả bài viết: Trần Thúc Kham
Ý kiến bạn đọc