Tồng kết tình hình thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020

Thứ năm - 13/08/2020 23:59 167 133
Ngày 12/8/2020, tại thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 và đề xuất tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu kết luận tại Hội nghị
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu kết luận tại Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dung hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. 

Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án, Bộ Công Thương đã báo cáo kết quả triển khai thực hiện đạt được 2 mục tiêu cơ bản như sau:

Thứ nhất, Đề án đã hướng tới mục tiêu tổng quát “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, đến thời điểm hiện tại các mục tiêu đề ra của Đề án hầu như đã được hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra, cụ thể:

- Đến 2015, 90% người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cuộc vận động; Đến 2018 trên 70% biết đến Chương trình quốc gia “Tự hào hàng Việt Nam”; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ, ngành, và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông (báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử) có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động;

- Đến năm 2015, tăng thị phần hàng Việt có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống lên trên 70%; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt cố định, bền vững với tên gọi nhận diện “Tự hào hàng Việt Nam”;

- Đến hết năm 2020, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cung cấp, tập huấn sử dụng cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt và phục vụ công tác quản lý nhà nước;

- Đến năm 2018, tỷ lệ hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu từ 25-30%; đến 2020 là trên 50%.  

Thứ hai, sau 6 năm triển khai Đề án, hệ thống phân phối hàng hóa đã được phát triển rộng khắp trên cả nước qua đó khẳng định sự cần thiết của Đề án. So sánh với bối cảnh khi Đề án ra đời khi công tác phát triển thị trường trong nước đang gặp phải những hạn chế như: hệ thống các điểm bán hàng Việt cũng chưa phủ khắp cả nước, hoạt động thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt bền vững, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn chưa nhiều cũng như hoạt động đưa hàng Việt về các khu vực trên vẫn còn thiếu tính ổn định; hoạt động hỗ trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt chưa thực sự đầy đủ, công tác truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự đầy đủ, công tác truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chưa đạt hiệu quả cao…Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai Đề án đã thiết lập trên 100 Điểm bán hàng Việt Nam tại các địa phương trên cả nước, hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, 100% các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương triển khai trên địa bàn Chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Hiện nay trên toàn quốc có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án còn gặp những hạn chế đặt trong bối cảnh khó khăn, thách thức phải đối mặt hiện nay như: sự cạnh tranh gay gắt với hàng hóa ngoại nhập về chất lượng, giá cả, mẫu mã…Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng loạt các FTA lớn đang bước vào giai đoạn thực thi, đặc biệt là EVFTA; hệ thống phân phối hàng hóa vẫn còn tồn tại một số bất cập, hệ thống hạ tầng thương mại chợ xuống cấp, khu vực nông thôn, miền núi còn thưa thớt, còn kẽ hở cho hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa thu hút hàng hóa Việt Nam có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu tham gia vào phân khúc này; tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm còn xuất hiện nhiều trên thị trường, chưa được kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước gây hoang mang lo lắng, làm mất niềm tin của người tiêu dung đối với hàng hóa Việt Nam; tâm lý sính ngoại vẫn còn hiện hữu trong một bộ phận người tiêu dùng…

Đề xuất nội dung triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn tiếp theo, Ban chỉ đạo liên ngành thực hiện Đề án đề xuất tiếp tục triển khai Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động” trong giai đoạn mới, trong đó bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt. Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, đặc biệt là thương mại đện tử trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam.

Tác giả bài viết: taylh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây