Định hướng khuyến công quốc gia 2021-2025: Phù hợp với yêu cầu mới

Thứ ba - 15/12/2020 23:59 214 108
Những năm qua, hoạt động khuyến công được Bộ Công Thương triển khai hiệu quả, khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH – HĐH). Đặc biệt, Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều định hướng phát triển phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Khuyến công hỗ trợ DN bắt nhịp nền kinh tế hội nhập
Khuyến công hỗ trợ DN bắt nhịp nền kinh tế hội nhập

Dấu ấn công nghiệp nông thôn

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khuyến công thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về Công Thương địa phương theo đó được nâng cao, tạo sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp (DN), cơ sở CNNT. Hơn hết, hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công được thiết lập, dần ổn định và hoạt động hiệu quả. Các trung tâm khuyến công được quan tâm đầu tư về bộ máy và cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc. Từ đó, Chương trình KCQG dần phát huy hiệu quả, tạo được dấu ấn lớn trong phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, góp sức vào tăng trưởng sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp.

Số liệu từ Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) - cho thấy, trong 6 năm (2014 - 2020), tổng nguồn kinh phí khuyến công đã thực hiện là 1.826,53 tỷ đồng, trong đó kinh phí KCQG là 764,78 tỷ đồng (chiếm 41,87%), kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 1.061,75 tỷ đồng (chiếm 58,13%). Tổng vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng Chương trình trong giai đoạn 2014 - 2020 là gần 9.500 tỷ đồng. Đây là con số đáng ghi nhận về hiệu quả đầu tư của chương trình, đặc biệt ở nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp (CCN). Trung bình cứ 1 đồng vốn từ ngân sách nhà nước sẽ thu hút được khoảng 5,2 đồng vốn đầu tư của cơ sở CNNT.

Chương trình KCQG 6 năm qua đã hỗ trợ 273 cơ sở CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất CN-TTCN cho 998 cơ sở CNNT; hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cán bộ, quản lý, điều hành sản xuất cho 14.185 học viên.

Kinh phí KCQG đã hỗ trợ tổ chức thành công 21 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực; 12 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 3 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Theo đó, đã tôn vinh 880 sản phẩm cấp khu vực và 312 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Hỗ trợ 51 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; hỗ trợ thành lập 186 DN sản xuất tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ gần 5.700 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong nước và ngoài nước…

Để tạo mặt bằng thu hút các DN, cơ sở CNNT đầu tư sản xuất, kinh doanh (SXKD), tạo việc làm cho lao động nông thôn, Chương trình đã hỗ trợ 53 CCN lập quy hoạch chi tiết và hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN cho 21 địa phương; các DN, cơ sở CNNT hoạt động tại các CCN bước đầu đã thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách cho nhà nước hàng năm.

Có thể nói, việc triển khai chính sách khuyến công đã động viên và huy động được các nguồn lực trong nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất CN-TTCN; góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển CN-TTCN; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới. Các nội dung của hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng SXKD, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; đưa giá trị xuất khẩu hàng CN-TTCN của cả nước ngày càng tăng mạnh.

Đáp ứng tình hình mới

Trước xu thế, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, với một số Hiệp định thương mại đã được ký kết như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng mở ra cơ hội mới, nhưng cũng đan xen các thách thức. Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN CNNT, Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều định hướng phát triển phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Cụ thể, chiến lược phát triển CN-TTCN sẽ gắn với quy hoạch các vùng nguyên liệu tập trung trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của vùng miền, địa phương; gắn sản xuất với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp, mạng sản xuất, chuỗi giá trị công nghiệp; phát triển các CCN, góp phần phân bố công nghiệp hợp lý tại các khu vực trên cả nước.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, DN công nghiệp nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN. Hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm ngành nghề sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương. Tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao của các sản phẩm nông-lâm-thủy sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng CNH - HĐH. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận và tận dụng các cơ hội từ quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chương trình KCQG giai đoạn 2021-2025 phấn đấu xây dựng được 340 mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ. Ứng dụng được 1.600 máy móc, thiết bị và 300 dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN. Đánh giá sản xuất sạch hơn (SXSH) cho 300 cơ sở CNNT; xây dựng mô hình thí điểm về SXSH cho 100 cơ sở CNNT. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 cơ sở CNNT. Hỗ trợ 350 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cho 50 CCN. Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho khoảng 60 CCN. Hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; đào tạo nghề nghiệp cho 10.000 lao động theo nhu cầu của các cơ sở CNNT gắn với yêu cầu thị trường…

 

Chương trình KCQG giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ Công Thương xây dựng với định hướng chú trọng phát triển CNNT theo chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

(Nguồn: https://congthuong.vn)

Tác giả bài viết: hungvm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây