Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021 - 2025

Thứ năm - 18/03/2021 23:59 215 105
Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công và Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020, những năm qua, hoạt động khuyến công cả nước nhìn chung đã đạt được những kết quả quan trọng, động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn 2021 - 2025

Tuy nhiên, hoạt động khuyến công ở nhiều địa phương vẫn chưa theo kịp được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; lực lượng cán bộ làm công tác khuyến công còn thiếu; việc bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn khó khăn; mạng lưới cộng tác viên tại nhiều địa phương chưa được hình thành; kinh phí bố trí từ ngân sách các cấp cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, chưa thu hút nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia đầu tư, phát triển sản xuất.

Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác khuyến công thời gian tới, đồng thời khắc phục hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020; đây là căn cứ quan trọng đối với công tác khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia đầu tư phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn. 

Để đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp nông thôn giai đoạn tới theo đúng tinh thần, nội dung, quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, Quyết định số 1881/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị, nêu rõ nhiệm vụ của các đơn vị chức năng liên quan cấp Bộ và các địa phương trong xây dựng, thực hiện và triển khai các chính sách nhằm đẩy mạnh cũng như tận dụng tối đa hiệu quả chính sách khuyến công.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo, phối hợp, triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Sở Công Thương xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương phù hợp quy định của pháp luật liên quan; ban hành và chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021-2025 phù hợp với điều kiện của địa phương và bối cảnh tình hình mới.

Tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công tại địa phương theo Chương trình khuyến công quốc gia và Chương trình khuyến công địa phương; lồng ghép, phối hợp các chương trình mục tiêu trên địa bàn để tăng hiệu quả cho hoạt động khuyến công. Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn.

Chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và liên tục về chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chính sách khuyến công.

Xác định rõ vai trò Sở Công Thương là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương. Phân công các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp, hỗ trợ Sở Công Thương trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công tại địa phương.

Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức khuyến công trên địa bàn theo định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn với với yêu cầu nhiệm vụ của ngành Công Thương; tổ chức bộ máy theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động; đầu tư nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các Trung tâm khuyến công theo hướng chuyên nghiệp; bố trí đủ biên chế; có chính sách bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác khuyến công; xây dựng đội ngũ cán bộ làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đối với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời theo dõi, đôn đốc kiểm tra tình hình triển khai Chỉ thị này.

Bênh cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới.

Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi để nhân dân, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và tham gia tích cực các nội dung hoạt động khuyến công. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát các đề án khuyến công quốc gia hàng năm…

(Nguồn: Bộ Công Thương)

Tác giả bài viết: doanbv

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây