Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chương trình khuyến công Quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cũng là năm đầu tiên hầu hết các địa phương trên cả nước đã tích cực xây dựng và triển khai chương trình khuyến công địa phương giai đoạn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó các hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) với quy mô nhỏ lẻ đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết: Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đến nền kinh tế. Cả nước đang nỗ lực cao nhất, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, chương trình khuyến công Quốc gia và địa phương năm 2021 tiếp tục khắc phục những khó khăn, thách thức, huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, hỗ trợ các cơ sở CNNT đầu tư, ổn định phát triển, khôi phục sản xuất sau đại dịch.
Năm 2021, trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn, chương trình khuyến công Quốc gia được giao 75.641 triệu đồng cho 46 địa phương và 05 tổ chức dịch vụ khuyến công, chỉ đạt 50% tổng dự toán năm 2021, giảm hơn 50% so với kinh phí được giao năm 2020. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, xây dựng tiêu chí và triển khai phương án giao và điều chỉnh kinh phí phù hợp với tình hình chung, tính chất của các đề án/nhiệm vụ, đồng thời quyết định cho phép ngừng thực hiện do không bố trí được kinh phí đối với một số đề án/nhiệm vụ. Dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng với sự nỗ lực của các đơn vị triển khai công tác khuyến công cấp Trung ương và các địa phương, công tác khuyến công vẫn đạt được những con số đáng ghi nhận. Trong đó, đã có 739 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 3.000 đối tượng được đào tạo nghề, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao vai trò của khuyến công trong sự phát triển chung của ngành Công Thương. Tuy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài nhưng sản xuất công nghiệp trong nông thôn vẫn có đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2021 ước tăng 3,6% so với cùng kỳ. Số lượng các đối tượng mới được thụ hưởng chính sách khuyến công ngày càng tăng, quy mô sản xuất công nghiệp tại các địa phương liên tục được mở rộng. Hoạt động khuyến công góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp nói chung và CNNT nói riêng với xu hướng chuyển dịch khá rõ ràng và tích cực. Thúc đẩy mối liên kết vùng, liên kết địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng: Vẫn còn những điểm yếu cần tháo gỡ; trong đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế biến tại khu vực nông thôn dù đã được quan tâm nhưng nhìn chung còn mức trung bình. Các nguồn lực về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và tiếp cận với thị trường nước ngoài... trong các cơ sở CNNT còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Để thực hiện tốt các nội dung hoạt động khuyến công trong những năm tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị tập trung triển khai một số nội dung như: Tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao từ trung ương đến địa phương trong việc đẩy mạnh các nội dung hoạt động khuyến công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, áp dụng các giải pháp sản xuất kinh doanh phù hợp trong điều kiện thích ứng an toàn với diễn biến của dịch Covid-19, nâng cao năng lực và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; bố trí nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác nhằm thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở CNN; nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế; tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế; xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh, có vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp, cơ sở CNNT; nâng cao năng lực, tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương triển khai các đề án nhiệm vụ khuyến công; thiết lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác với đối tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp địa phương nhằm phát triển các hoạt động khuyến công; ẩy mạnh các phong trào thi đua, đề xuất hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua nhằm tôn vinh, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động khuyến công.
Nhân dịp này, Bộ Công Thương đã tặng bằng khen cho 75 tập thể và 112 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020; trong đó, tỉnh Bình Định có 02 tập thể là Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Định (nay là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định) và 01 cá nhân là ông Võ Mai Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương được tặng bằng khen.
Thừa ủy quyền của Bộ Công Thương, Sở Công Thương trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021. Ảnh: H.Y
Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Công Thương cũng đã công bố và trao Giấy chứng nhận cho sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021. Theo đó, Bình Định có 05 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021 gồm: Nước mắm Như Hoa - Tam Quan của Cơ sở nước mắm Như Hoa (phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn); cụm sản phẩm trang bị tàu đánh bắt xa bờ của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Đường Minh (phường Đập Đá, TX An Nhơn); bánh tráng DALOP các loại của Công ty TNHH Nhân Hòa (phường Hoài Xuân, TX Hoài Nhơn); máy tuốt lúa của Hộ kinh doanh Quang Toàn (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước); dầu dừa tinh khiết của HTX Nông nghiệp Ngọc An (phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn)./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hạnh
Ý kiến bạn đọc