Tham gia Chương trình với khoảng 70 đại biểu là đại diện của các Sở Ngoại vụ và Sở Công Thương của các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Mục tiêu của Chương trình nhằm bồi dưỡng kỹ năng quản lý và cập nhật kiến thức đối ngoại trong đó có lĩnh vực năng lượng tái tạo; cập nhật kiến thức chung về ngành năng lượng tái tạo Việt Nam và xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới; Tình hình phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam. Những cơ hội mà năng lượng tái tạo mang lại cho các địa phương, bao gồm thu hút đầu tư FDI, phát triển việc làm và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị ngành năng lượng trong khu vực và toàn cầu; Những khó khăn mà các nhà đầu tư gặp phải và sự hỗ trợ các địa phương mang lại cho doanh nghiệp.
Theo đánh giá, Việt Nam là nước sở hữu một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á và có nguồn năng lượng mặt trời, sinh khối và thủy điện rất tốt. Việt Nam cũng là nước có tiềm năng gió ngoài khơi đáng kể và nhiều cơ hội khác để phát triển năng lượng sinh học và thủy điện. Ước tính Việt Nam có khả năng lắp đặt công suất đến 90GW cho điện gió trên bờ và ngoài khơi và hơn 200GW cho điện mặt trời. Để khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các quy định về phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… nhằm thu hút các nhà đầu tư. Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian đến, do đó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì việc đảm bảo nguồn điện là hết sức cần thiết.
Theo thống kê, trong năm 2018, Việt Nam đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hơn 1.918 dự án, với vốn đăng ký đầu tư hơn 13,48 tỷ USD. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đầu tư dự án của các nhà đầu tư còn chậm. Việc thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài còn khó khăn chủ yếu là do vướng các quy định pháp lý.
Ảnh minh họa: Nhà máy điện gió
Bình Định là tỉnh được đánh giá có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua có 24 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 1.393,11 MWp và 05 dự án điện gió với tổng công suất là 162,1 MW đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 04dự án điện mặt trời đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035 với tổng công suất 199,41 MWp và 01 dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 với công suất 330 MWp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 02 dự án điện mặt trời đã hoàn thành việc thi công xây dựng và đưa vào vận hành phát điện thương mại trước ngày 30/6/2019. Ngoài ra, còn 02 dự án điện gió với tổng công suất 51 MW đang triển khai thi công, dự kiến năm 2020 đưa vào vận hành phát điện.
Ảnh: Nhà máy điện mặt trời Cát Hiệp, huyện Phù Cát
Trong thời gian đến, với việc đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhằmthực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tác giả bài viết: tongnv
Ý kiến bạn đọc