Giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

Thứ tư - 10/04/2019 23:59 145 113
Thực trạng sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh: Sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) của Bình Định hầu hết là sản phẩm nghề truyền thống, tồn tại nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ thăng trầm theo năm tháng. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã hình thành những sản phẩm mới là kết quả của quá trình du nhập, hội tụ tinh xảo giữa nghề truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất góp phần làm đa dạng sản phẩm CNNT cả về chất và lượng, kiểu dáng đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Tuy nhiên, việc phát triển và đưa các sản phẩm CNNT kể cả sản phẩm truyền thống cũng như mới du nhập thâm nhập vào thị trường trong nước cũng như xuất khẩu còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Giải pháp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

Ngoài giá cả hợp lý, người tiêu dùng đòi hỏi nhà sản xuất phải đáp ứng một số tiêu chí như mẫu mã, chất lượng, kiểu dáng, đồng đều và nhất là phải thân thiện với môi trường. Những yêu cầu tuy không mới và không cao nhưng sẽ khó thực hiện cho những cơ sở sản xuất, chế biến sử dụng hệ thống thiết bị, công nghệ lạc hậu và sự yếu kém này dẫn đến khả năng cạnh tranh thấp. Doanh nghiệp sản xuất muốn tồn tại, phát triển cần phải thực hiện đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, năng suất cao, giá thành thấp. Đây là bài toán không dễ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ nguồn vốn có hạn, khả năng vay vốn ưu đãi là rất khó khả thi. Vì vậy, việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh, của Trung ương thực sự có ý nghĩa đối với doanh nghiệp cũng như đối với xã hội trong quá trình thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhiều ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh như: Đúc đồng, tiện gỗ mỹ nghệ, dệt chiếu cói, thảm xơ dừa …. và một số nghề mới du nhập đã tồn tại, phát triển được thị trường trong nước cũng như ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, kể từ sau đợt khủng hoảng tài chính nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng thay đổi làm cho sức tiêu thụ những sản phẩm nêu trên giảm dần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến quyết định đổi mới công nghệ thiết bị của chủ doanh nghiệp. Thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh những năm gần đây cho thấy doanh nghiệp bứt phá phát triển mạnh nếu sớm đầu tư thiết bị công nghệ mới, ngược lại không ít doanh nghiệp dừng sản xuất hoặc phá sản do thiết bị công nghệ lạc hậu, hoạt động không cạnh tranh với sản phẩm cùng loại sản xuất trên dây chuyền hiện đại.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất mới nhưng chưa quan tâm đầu tư phát triển nhãn hiệu, thay đổi kiểu dáng, chưa đăng ký sở hữu trí tuệ đã dẫn đến tình trạng bị sao chép, đồng hóa làm giảm giá trị và mất dần thị trường rơi vào tình trạng thua lỗ. Quá trình tự vận động của các doanh nghiệp CNNT còn quá chậm, các sản phẩm CNNT sử dụng vật liệu chưa thân thiện môi trường, thậm chí sử dụng hóa chất trong sơ chế nguyên liệu, không bảo đảm các tiêu chuẩn về chất lượng chưa tạo được sự khác biệt nên giá trị hàng hóa thấp, rất khó đáp ứng được các đơn hàng lớn.

Hiện nay, hầu hết sản phẩm CNNT trên địa bàn tỉnh sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, đơn chiếc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, không đáp ứng yêu cầu về thời gian, số lượng, thường xuyên, về an toàn vệ sinh thực phẩm …. của các công ty kinh doanh thương mại, các Trung tâm siêu thị, thương mại. Doanh nghiệp sản xuất chưa được quan tâm phối hợp liên kết theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị để tạo ra hiệu quả thúc đẩy phát triển ngược lại nảy sinh hiện tượng căng kéo lẫn nhau.

Sự phối hợp hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy doanh nghiệp CNNT phát triển theo mục tiêu định hướng của nhà nước còn bất cập, tác dụng thúc đẩy phát triển chưa cao, chưa tạo kết nối bền vững giữa nhà cung cấp nguyên liệu, nhà sản xuất, nhà phân phối để đưa hàng đến người tiêu dùng. Đặc biệt phổ biến hiện nay hầu hết các doanh nghiệp CNNT, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng do quy định và thủ tục vay còn nhiều trở ngại.

Giải pháp phát triển sản phẩm CNNT

Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được Chính phủ và địa phương quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa bằng Nghị định, Thông tư; nhiều cơ chế, chính sách đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm CNNT đạt theo mục tiêu đề ra trong đó bao gồm cả công tác thiết kế mẫu mã, kiểu dáng của các sản phẩm. Riêng ngành Công Thương trong thời gian qua quan tâm thúc đẩy CNNT phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thể hiện bên cạnh việc tăng cường hoạt động khuyến công hỗ trợ về ứng dụng thiết bị máy móc, thiết bị công nghệ đã quan tâm hoạt động bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu ở nhiều cấp khác nhau nhằm khuyến khích, thúc đẩy giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ mở rộng sản xuất nâng cao năng suất và ý thức bảo vệ môi trường. Năm 2018, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ thiết bị máy móc cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 7,4 tỷ đồng (trong đó khuyến công quốc gia 4,7 tỷ đồng). Hoạt động XTTM hỗ trợ doanh nghiệp cũng được triển khai tích cực tạo điều kiện doanh nghiệp tham gia Hội chợ trong nước, khảo sát thị trường nước ngoài.

Khuyến khích hỗ trợ ứng dụng công nghệ hiện đại trong kinh doanh: Khai thác hiệu quả lợi ích, thế mạnh của công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh thời hội nhập, liên kết kinh doanh có ý nghĩa đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế nhanh chóng tiếp cận, tạo khả năng định hướng lựa chọn quy mô sản xuất, thị trường thâm nhập, mức đầu tư phù hợp… Bên cạnh đó, tiếp cận quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt mục tiêu, hiệu quả đề ra.

Thu hút đầu tư sản xuất: Triển khai đồng bộ các hoạt động tổ chức thực hiện thành lập, phát triển cụm công nghiệp chuyên ngành, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thu hút doanh nghiệp thứ cấp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp CNNT phát huy tối đa tiềm năng đóp góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế .

Thực tế đã cho thấy, nếu được tạo điều kiện thuận bằng những chính sách đồng bộ và giải pháp thiết thực, tích cực mang tính lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dần dần ổn định và từng bước phát triển. Trong hỗ trợ cần quan tâm hỗ trợ thiết bị, máy móc công nghệ nhằm tăng năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, khai thác tối đa những lợi thế.

 Vấn đề cần đặt ra ngoài cải tiến, thay mới thiết bị máy móc phục vụ sản xuất theo hướng sản xuất hàng loạt, tăng năng suất, chất lượng đồng đều, gắn phát triển làng nghề với hoạt động du lịch, dịch vụ, nghiên cứu đổi mới mẫu mã thích nghi với thị hiếu từng giai đoạn là yêu cầu cần thiết nhưng cần phải quan tâm bảo tồn giá trị truyền thống sản phẩm./.

Tác giả bài viết: tuyennv

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây