Xuất khẩu Bình Định: Chờ cơ hội xuất khẩu 6 tháng cuối cuối năm 2020

Thứ hai - 04/05/2020 23:59 156 195
Xuất hàng hóa của tỉnh dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý II, khi dịch bệnh covid 19 của các nước vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cơ hội để đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch vẫn có nếu tận dụng được các cơ hội thị trường.
Hàng hóa chờ xuất khẩu thông qua cảng
Hàng hóa chờ xuất khẩu thông qua cảng

Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gặp khó khăn do bị hoãn, giãn đơn hàng, nếu trong quý I/2020, hoạt động xuất khẩu của tỉnh chưa bị tác động nhiều bởi đại dịch Covid-19 thì bước sang đầu quý II, hoạt động này phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nền kinh tế nước ta chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế trước diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường.

Cụ thể, dịch bệnh tại nhiều thị trường khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, chưa được kiểm soát, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Từ giữa tháng 3, toàn cầu bước vào giai đoạn đại dịch với mức độ lây lan nhanh nguy hiểm, Chính phủ các quốc gia đang ban hành những biện pháp kiểm soát dịch bệnh như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... khiến nhu cầu mua bán hàng tiêu dùng như: gạo, dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản… tại nhiều thị trường giảm. Đặc biệt, tính đến ngày 27/4/2020, giá dầu thô WTI đã giảm mạnh 77,3% (tương ứng giảm 53,46 USD/thùng) so với đầu năm 2020, xuống còn 15,72 USD/thùng... ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu của Bình Định trong tháng 4/2020 ước đạt 65,9 triệu USD, giảm 37% so với tháng 3/2020 và giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 36,5%).

Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong tháng 4 năm 2020 đều giảm so với tháng 3/2020 và so với cùng kỳ tháng 4 năm 2019 như: mặt hàng thủy sản đạt 4,8 triệu USD, giảm 8,4% so với tháng trước và giảm 35,9% so với cùng kỳ; gạo đạt 1,3 triệu USD, giảm 63,3% và giảm 62,7%; sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,1 triệu USD, giảm 16,2% và giảm 51,3%; Quặng và khoáng sản khác đạt 2,3 triệu USD, giảm 54,8% và giảm 34%; bàn ghế nhựa giả mây đạt 7 triệu USD, giảm 36,4% và giảm 01%; đồ gỗ các loại đạt 12,1 triệu USD, giảm 63,5% và giảm 46,4%; hàng dệt may đạt 8,5 triệu USD, giảm 29,7% và giảm 30,1%; giày dép đạt 100 nghìn USD, giảm 30,5% và giảm 84,3%. Riêng sản phẩm gỗ tuy giảm 12,7% so với tháng 3/2020, nhưng lại tăng 5,4% so với cùng kỳ do mặt hàng dăm gỗ, viên nén xuất khẩu ổn định sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu tháng 4/2020 giảm, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 331,7 triệu USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 13,6%). Trong đó có một số mặt hàng tăng như: Sản phẩm bàn ghế nhựa giả mây đạt 32,8 triệu USD, tăng 78,1%; gỗ đạt 70,5 triệu USD, tăng 30,2%; sản phẩm gỗ đạt 118,1 triệu USD, tăng 4,3%; hàng dệt may đạt 54,2 triệu USD, tăng 8% ;…so với cùng kỳ năm 2019.

Sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu

Chờ cơ hội từ các chính sách và các FTA

Như vậy, kim ngạch xuất khẩu Bình Định sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong quý I/2020 (Quý I tăng 20% so với cùng kỳ), hoạt động thương mại trong tháng 4/2020 đã bắt đầu chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19. Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020 bởi từ giữa tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU và các nước Châu Á. Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại cộng với những lợi thế cạnh tranh khi Hiệp định CPTPP và EVFTA chính thức có hiệu lực.

Bên cạnh đó, trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế đã tung các gói kích cầu quy mô lớn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Đa phần các nước đều tăng cường chi tiêu tài khoá để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Tại Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ban ngành, địa phương cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19.

Trong lộ trình hướng dẫn dỡ bỏ phong tỏa, Ủy ban châu Âu (EC) khuyên các nước thành viên hành động từng bước một, nới lỏng các hạn chế theo giai đoạn, và duy trì một khoảng thời gian giữa mỗi hành động để đánh giá tác động; dự kiến một số bang của Mỹ có thể sẽ mở lại vào tháng 5, một số bang khác có thể cần đợi tới cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. Còn Ấn Độ, Iran, Israel khởi động lại các doanh nghiệp tại những khu vực có nguy cơ bùng phát Covid-19 thấp. Chính phủ Australia, New Zealand cùng lúc chuẩn bị mở cửa dần nền kinh tế và một số địa phương thận trọng nới lỏng lệnh phong tỏa.Hiện nay, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có kết quả tích cực; các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh… do đó, nhu cầu được dự báo sẽ dần tăng trở lại trong thời gian tới.

Trong khi dịch Covid-19 khiến các quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại thì kết nối trực tuyến là phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh giao thương với doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong thời gian này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục chào mời, gửi đơn hàng đến khách hàng các nước, đến các khách hàng truyền thống để các đối tác biết được doanh nghiệp của mình đang hoạt động, để yên tâm hơn trong quan hệ; doanh nghiệp cần thay đổi phương thức bán hàng từ truyền thống (offline) sang thương mại điện tử (online); thúc đẩy phát triển thị trường nội địa; thay đổi phương thức quản lý, vận hành doanh nghiệp trong thời gian đến.

Các sản phẩm gỗ chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường EU

Ngày 28/4/2020, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến Hội thảo phục hồi tăng tốc - bứt phá phát triển bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu dịch nhằm tập trung thảo luận các cơ chế, chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua và dự kiến trong thời gian đến. Đồng thời, các doanh nghiệp hội viên cũng thảo luận về tình hình thị trường xuất khẩu sẽ thay đổi thế nào trong thời gian đến (năm 2019, ngành gỗ Bình Định xuất khẩu đạt 478,5 triệu USD, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh).

Đặc biệt trong tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19, cụ thể là bắt đầu từ 8h sáng ngày 09/5/2020 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, các Bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Cùng với Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực và Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực trong nửa cuối năm 2020 được kỳ vọng mở ra một cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước trong Khối trong những tháng cuối năm nay và những năm tới. Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung./.

 

Các sản phẩm gỗ chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường EU
Các sản phẩm gỗ chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường EU
Các sản phẩm gỗ chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường EU

Tác giả bài viết: cuongnm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây