KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM (14/5/1951-14/5/2021), CÔNG THƯƠNG BÌNH ĐỊNH: CHẶNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA VÀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN

Thứ tư - 12/05/2021 23:59 195 123
Ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra tuyên cáo về nội các thống nhất Quốc gia, trong đó có Bộ Kinh tế Quốc gia do ông Nguyễn Mạnh Hà làm Bộ trưởng. Ngày 14/5/1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 21/SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Sau 70 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày phôi thai ngành Công Thương Việt Nam, trải qua hai cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt, vĩ đại của dân tộc, trải qua những biến động to lớn và sâu sắc của hoàn cảnh quốc tế, vượt qua biết bao gian khó và non kém của chính mình, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bình Định, với sự thắt lưng buộc bụng của nhân dân cả tỉnh trong những năm đầu sau giải phóng, ngành Công Thương Bình Định đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên và trưởng thành vượt bậc, đạt được những kết quả to lớn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập quốc tế về kinh tế của tỉnh nhà.

Những ngày tiếp quản, tập trung khắc phục hậu quả sau chiến tranh, ổn định và mở rộng sản xuất (từ trước giải phóng đến năm 1985)

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, Bình Định là tỉnh thuần nông, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Vì vậy, vào ngày giải phóng, Công Thương Bình Định hầu như không có gì ngoài vài cơ sở thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ bé, hiệu quả hoạt động thấp thuộc sở hữu tư nhân, nằm phân tán, manh mún tại thị xã Quy Nhơn; Chính quyền cách mạng đã tiếp quản một số cơ sở công nghiệpnhư máy phát điện Điezen nhưng đều quá cũ kỹ, trang thiết bị lạc hậu, phát điện chưa đạt 50% công suất, lại vận hành trong điều kiện thiếu vật tư, nhiên liệu nên chỉ đáp ứng một phần cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; cải tạo công thương nghiệp, xây dựng các công xưởng, nhà máy SXCN; tổ chức hệ thống thương nghiệp, làm người nội trợ đắc lực, cùng với các ngành khác “xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc về các mặt nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp..., chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, động viên nhân tài vật lực, phục vụ kháng chiến”.

Thực hiện chính sách số 6/10 của Chính phủ cách mạng lâm thời đối với vùng mới giải phóng “Các xí nghiệp công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải và các công trình phục vụ công cộng phải được tiếp tục hoạt động để phục vụ nền kinh tế quốc dân và sinh hoạt bình thường của nhân dân” với khẩu hiệu hành động “Tất cả cho sản xuất, tất cả xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”, Hội nghị Tỉnh ủy Nghĩa Bình tháng 12/1975 đã đề ra các mục tiêu công tác cụ thể trong năm 1976: “Ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế…, tích cực khôi phục và phát triển công nghiệp, thương nghiệp… đáp ứng một phần nhu cầu đời sống nhân dân và tích lũy cho ngân sách”.

Với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”,“nhanh, nhiều, tốt, rẻ”; “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”… ngành Công Thương đã nhanh chóng khôi phục các nghề thủ công truyền thống như lò rèn, đúc đồng, ép dầu, làm dầu dừa, làm nón, dệt chiếu, làm đường, làm gạch ngói, nghề làm vôi… vận động nhân dân tích cực trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải để sản xuất mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong tỉnh. Tận dụng mọi phương tiện đánh bắt, chế biến, tổ chức và trang bị thêm phương tiện, vật tư để đẩy mạnh khai thác nguồn lợi hải sản; tăng cường quản lý thị trường và tổ chức tốt việc thu mua hải sản phục vụ công nghiệp chế biến, phát triển nuôi cá nước ngọt, nước lợ; đồng thời, tiến hành quy hoạch xây dựng cơ sở thu mua chế biến hải sản. Mặt khác, Tỉnh ủy còn Chỉ thị cho ngành Công Thương khảo sát, lựa chọn địa bàn, từng bước chuẩn bị cơ sở vật chất để xây dựng cơ sở công nghiệp quốc doanh như nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy đường, nhà máy cơ khí (Quang Trung)… Triển khai thực hiện cải tạo tư sản công nghiệp, xây dựng xí nghiệp công tư hợp doanh ở tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh như nhà máy Đông lạnh Quy Nhơn (Dũng Sanh), nhà máy Cao su (Kim Ngọc, Đức Tín), nhà máy Cơ khí (Huỳnh Cân), xí nghiệp Gạch ngói Phước An… đảm bảo quyền lãnh đạo, quản lý của Nhà nước, quyền lợi cơ bản của nhân dân và quyền tham gia quản lý và lợi nhuận thích đáng cho nhà tư sản. Song song với việc thực hiện chủ trương xây dựng và phát triển sản xuất công nghiệp, Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các địa phương chú ý đến việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý, đưa công việc lao động sản xuất đi vào nề nếp và từng bước cải tiến kỹ thuật trong các cơ sở sản xuất này.

Sau hơn 1 năm rưỡi từ ngày giải phóng, nhờ làm tốt công tác tiếp quản, ngành Công Thương Bình Định ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành quy hoạch và khôi phục lại sản xuất, triệt để phát huy tiềm lực sẵn có; kết quả đến cuối năm 1976, cả tỉnh xây dựng được 778 cơ sở TTCN, riêng thị xã Quy Nhơn có 76 cơ sở sản xuất như cơ khí, đồ gỗ, xây dựng, chế biến hải sản, mỹ nghệ xuất khẩu, nước đá… với tổng doanh thu trên 2,43 tỷ đồng, thu hút 2.500 lao động có việc làm. Trong đó, các cơ sở tiêu biểu là cơ khí Minh Tân, hải sản Bạch Đằng, xây dựng Đồng Tiến, đan mây Tháp Đôi, mành trúc Nam Trung... và cũng trong năm 1976, toàn tỉnh đã khôi phục và xây dựng được 44 cơ sở công nghiệp quốc doanh, 02 xí nghiệp công tư hợp doanh… những mặt hàng sản xuất đã phần nào đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống nhân dân trong tỉnh vào những ngày đầu độc lập.

Đến năm 1979, công tác cải tạo công thương nghiệp, tư bản tư doanh và các ngành nghề tiểu thủ công cơ bản hoàn thành, phần lớn nông dân và thợ thủ công đã tham gia vào các hợp tác xã, từng bước xác lập kinh tế xã hội chủ nghĩa dưới hai hình thức toàn dân và tập thể. Toàn tỉnh đã thành lập được 02 công ty hợp doanh, 67 hợp tác xã và 134 cơ sở sản xuất; đầu tư gần 30 triệu đồng xây dựng cơ sở công nghiệp, đưa tổng số xí nghiệp công nghiệp quốc doanh lên 62 cơ sở… hình thành các điểm công nghiệp tập trung tại Quy Nhơn, Phú Tài, La Hà, Quảng Nghĩa, Bình Định, Đập Đá… tạo nên một số ngành nghề mới như sành sứ, thủy tinh, ắc quy, phân bón… nâng giá trị tài sản cố định từ 34,7 triệu đồng năm 1976 lên 53,3 triệu đồng năm 1979; nâng số lao động lên 71.469 người, tăng 12% so với năm 1976... cùng với các phong trào thi đua “tình nguyện đăng ký vượt mức kế hoạch từng năm, hoàn thành kế hoạch 5 năm trong 3 năm”, “mỗi người làm việc bằng hai” đã đưa công thương tỉnh ta tiến lên đứng thứ 6 toàn miền Nam.

Trong giai đoạn 1980-1985, ngành Công Thương chú trọng sản xuất, phân phối mặt hàng thiết yếu cho đời sống và xuất khẩu nhưđường, muối, cá mắm, đông lạnh xuất khẩu, dầu thực phẩm, rượu, nước ngọt… đồng thời,phát triển mạnh hàng tơ tằm, dệt da, may mặc, chiếu cói, nón, giấy viết, đồ gốm, sành sứ, thủy tinh, một số đồ dùng gia đình, đồ dùng học sinh, hàng mây tre đan xuất khẩu, dược liệu… Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có khả năng sản xuất và có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Xây dựng điện nhỏ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” kết hợp thủy lợi với thủy điện; quy hoạch và tổ chức lại mạng lưới cơ khí đảm bảo đủ công cụ cho nông nghiệp; mở rộng các cơ sở sản xuất phân hữu cơ, thức ăn gia súc, đắp lốp cao su, chế biến tinh dầu dược phẩm, sản xuất thạch cao, vật liệu xây dựng; xúc tiến tổ chức liên hiệp sản xuất công - nông nghiệp (đường, mía, tơ tằm...); phát huy mạnh mẽkhả năng sản xuất công nghiệp ở 2 thị xã Quy Nhơn và Quảng Ngãi, các thị trấn Bình Định, Phú PhongBồng Sơn,Châu Ổ...

35 năm thực hiện công cuộc đổi mới (từ tháng 11/1986 đến năm 2020)

Đến năm 1988 toàn tỉnh có 38 cơ sở công nghiệp quốc doanh; trong đó, có 03 xí nghiệp do Trung ương quản lý là: Xí nghiệp Điện, Nhà máy cơ khí Lâm nghiệp Quy Nhơn, Xí nghiệp chế biến gỗ An Nhơn, còn lại 35 xí nghiệp do tỉnh quản lý. Tổng số công nhân là 5.884 người, tập trung phần lớn trong các ngành cơ khí, sửa chữa máy móc, khai thác vật liệu, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm… và 623 hợp tác xã, 366 tổ hợp tác sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Một số cơ sở tiêu biểu như HTX mỹ nghệ Bình Minh, HTX sản xuất giấy An Nhơn… với phong trào “luyện tay nghề thành thợ giỏi” đã đạt lá cờ đầu toàn ngành TTCN Việt Nam năm 1987. Năm 1989 đã giải quyết được tình trạng thiếu điện kéo dài trong nhiều năm liền với công suất phát điện đạt 12.000 KW, gấp 1,5 lần so năm 1988, đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt tại thành phố Quy Nhơn và một số vùng lân cận…

Năm 1990 với Nghị quyết “Về một số chủ trương, biện pháp sắp xếp, kiện toàn và cũng cố các cơ sở kinh tế quốc doanh trong tỉnh”, ngành Công Thương đã khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả, hướng các nguồn vốn vào một số công trình trọng điểm như thủy điện Vĩnh Sơn, xưởng tuyển Titan, súc sản đông lạnh, chế biến hạt điều, khai thác chế biến đá ốp lát, ươm tơ Phú Phong, hình thành hê thống chợ, hoạt động thương mại chuyển sang cơ chế thị trường, kết hợp với thị trường ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu…

Bước vào thời kỳ 10 năm (1991-2000), tập trung đầu tư trọng điểm như xí nghiệp đông lạnh, nhà máy đường, nhà máy bia... phát triển có chọn lọc công nghiệp hàng tiêu dùng như dược, cao su, nhựa, dệt may, cơ khí… Khuyến khích mọi hình thức đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng, nâng cấp các xí nghiệp hiện có, xây dựng mới nhà máy nghiền Clinke công suất 500.000 tấn/năm, nhà máy gạch tuy nen số 2 và cơ sở chế biến đá granite; phát triển các ngành nghề chế biến lương thực, thực phẩm, nông lâm hải sản, sản xuất công cụ nhỏ, dịch vụ cơ khí, sữa chữa điện, điện tử, điện lạnh, các ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ…

Lãnh đạo Sở Công Thương tham gia đoàn công tác lãnh đạo tỉnh thăm doanh nghiệp

Trong 20 năm qua (2001-2020), SXCN phát triển ổn định với nhịp độ tăng trưởng khá cao; để phát triển ngành Công nghiệp, Tỉnh ủy (các khóa XVI, XVIII, XIX) đã ban hành Chương trình hành động phát triển CN-TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh; Tỉnh ủy (khóa XVII) đã ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh… kết quả tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị SXCN giai đoạn 2001-2005 tăng 16%/năm; giai đoạn 2006-2010 tăng 16,2%/năm; riêng giai đoạn 2011-2020 tăng 9,3%/năm, giá trị gia tăng công nghiệp tăng 9,7%/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP từ 13,6% năm 2010 lên 17,0% năm 2015 và 20,2% năm 2020, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hộivà quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế tiếp tục được đầu tư, hoạt động hiệu quả và có bước phát triển khá như chế biến đồ gỗ, đá ốp lát, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, sản xuất hàng may mặc, bia, sữa,dược phẩm, cơ khí, năng lượng tái tạo… đã và đang tạo dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường trong và ngoài nước.

Đã quy hoạch phát triển 10 khu công nghiệp với diện tích 3.560 ha và 61 cụm công nghiệp với diện tích 1.886 ha; kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ; tính riêng giai đoạn 2016-2020, đã thu hút 250 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp với tổng vốn đăng ký 39.108 tỷ đồng; trong đó: dự án có quy mô vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên có 36 dự án, một số dự án tiêu biểu như Nhà máy thép Hoa Sen - Nhơn Hội, các nhà máy điện gió, điện mặt trời, chế biến dược phẩm, thực phẩm, nước giải khát… đã góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Hoạt động thương mại đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, về cơ bản đã xóa bỏ cơ chế lưu thông cũ, chuyển sang cơ chế lưu thông mới, khắc phục tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, hình thành thị trường thống nhất, ổn định và thông suốt. Kết cấu hạ tầng thương mại ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá. Hệ thống Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ hình thành với phương thức kinh doanh văn minh hiện đại, tạo ra xu hướng mới, tư duy mới trong kinh doanh thương mại hiện đại; nhu cầu tổ chức hội chợ, triển lãm, hội thảo, trưng bày giới thiệu hàng hoá, các hoạt động dịch vụ,... ngày càng phát triển. Mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, đầu tư nâng cấp mở rộng sắp xếp lại và phát triển trên diện rộng đến các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc, tạo nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn, thực hiện được nếp sống văn minh thương mại, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, tăng thu ngân sách nhà nước,

Quá trình toàn cầu hóa và những đòi hỏi cấp bách của quá trình hội nhập khu vực và quốc tế đã đem đến cho Bình Định những cơ hội và cả những thách thức mới.Nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy nội lực, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển thị trường, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu, từng bước nâng cao khả năng và hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước về thương mại. Hàng hóa xuất khẩu ngày càng đa dạng về chủng loại, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, từng bước hình thành các kênh lưu thông của một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu.

Quản lý nhà nước về thương mại có sự đổi mới về tư duy, nội dung và phương hướng. Các thành phần kinh tế tham gia thị trường ngày càng đa dạng, phát triển nhanh đã thu hút và giải quyết nhiều việc làm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường,thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Nội thương đạt kết quả khá toàn diện:thị trường nội địa phát triển mạnh, đa dạng, hệ thống tổ chức kinh doanh ngày càng phát triển về số lượng và phạm vi hoạt động. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội giai đoạn 2011-2020 đạt trên 500 nghìn tỷ đồng, gấp 5 lần so 10 năm trước.

Hoạt động xuất khẩu thành công nổi bật:trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, những rào cản mới trong thương mại quốc tế, chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào gia tăng… tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu trong những năm gần đây tăng trưởng mạnh, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2001-2010 đạt 2.521 triệu USD; giai đoạn 2011-2020 đạt 7.233,5 triệu USD; đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã "vượt mốc" 01 tỷ USD trong năm 2020.

Nhờ phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế, nhất là trong giai đoạn 2015-2020, ngành Công Thương đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả rất quan trọng; đã góp phần phát triển kinh tế của tỉnh: Kinh tế tăng trưởng khá, giá trị tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân hàng năm 6,4%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ; thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; an ninh - quốc phòng được giữ vững.

Phát triển công thương nghiệp - Trụ cột phát triển kinh tế  

Trong giai đoạn tới, với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh Bình Định nêu rõ "việc phát triển kinh tế của tỉnh tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá”,trong đó có trụ cột phát triển công nghiệp và logistics; kế thừa và phát huy thành quả phát triển 20 năm qua, để phát triển ngành Công nghiệp, Tỉnh ủy (khóa XX) ban hành Chương trình hành động phát triển CN-TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; theo đó, phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP; tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng trong GRDP bình quân hàng năm tăng 9,5-10,2%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đến năm 2025 đạt 31,8% (trong đó, riêng công nghiệp đạt 23%); phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 (giá so sánh 2010) đạt 74.600 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng bình quân 9,2%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 đạt trên 6 tỷ USD (trong đó, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm trên 50%); tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 496.300 tỷ đồng.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp,tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, tập trung nguồn lực,tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng và đưa Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex Bình Định đi vào hoạt động; tích cực thu hút các nhà đầu tư,lấp đầycác khu công nghiệp hiện có và có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp mới. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các dự án công nghệ thông tin của cácdoanh nghiệp TMA, FPT… đang đầu tư trên địa bàn tỉnh; thu hút các doanh nghiệpkhởi nghiệp (start up) đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (ITC),trí tuệ nhân tạo (AI) gắn với khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy nhanh tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, phát triển sản xuất các sản phẩm, thiết bị thông minh; điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách, suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn;phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩmnông - lâm - thủy sản, hình thành các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn”…

Huy động các thành phần kinh tế đầu tư đa dạng hình thức, dịch vụ bàn hàng và kênh phân phối hàng hóa, đảm bảo sự gắn kết từ sản xuất đến tiêu dùng; phát triển thương mại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6 tỷ USD,

Về thương mại nội địa, triển khai phát triển thương mại, dịch vụ bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, phát triển thương mại nội địa kết hợp các loại hình thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, tết. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp như tư vấn xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ; tư vấn, hỗ trợ kỹ năng xây dựng và quảng bá thương hiệu, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế…; Đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh doanh: Khuyến khích, hỗ trợ hoạt động thương mại, dịch vụ theo mô hình hợp tác xã, doanh nghiệp; mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy hình thành các nhà phân phối chuyên nghiệp; hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ, phân bố hài hoà đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, đẩy mạnh liên kết sản xuất - thương mại, từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị; Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng một số dự án có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản như: Trung tâm thương mại, Chợ đầu mối, nhằm tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa một cách bền vững; sớm hoàn thành Trung tâm Logistics trên hành lang tuyến Quốc lộ 19 mới, nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông và phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục rà soát, nâng cấp, chỉnh trang xây dựng các chợ trung tâm cấp huyện, từng bước xóa bỏ chợ tạm; xây dựng đề án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ.

Về hoạt động xuất khẩu, thông tin tuyên truyền, phổ biến Hiệp định CPTPP và thị trường của các nước tham gia Hiệp định CPTPP; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA),…; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường; Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng để đảm bảo quy mô cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng, kết nối cung cầu, sản xuất theo chuỗi. Cùng với đó, thay đổi một cách căn bản hơn việc xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng; Tiếp tục tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Điều hành tốt việc cung ứng đủ nguồn điện, nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đảm bảo cho sản xuất phát triển ổn định, nhất là sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Tiếp tục nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kịp thời đưa ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Phát huy truyền thống vẻ vang, với tinh thần tự lực tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, ngành Công Thương Bình Định đã ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh để lại, từng bước khôi phục và vực dậy ngành công thương nghiệp địa phương. 70 năm qua, Công Thương Bình Định tuy có những bước thăng trầm, song nhờ vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng trong thời kỳ đổi mới và thực hiện CNH-HĐH đất nước, Công Thương Bình Định đã phát triển đúng hướng và khởi sắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đặc biệt trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Trong thời gian tới,dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tỉnh,ngành CôngThương tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, thúc đẩy công thương nghiệp phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộtỉnhlần thứ XX đã đề ra, đưa nền kinh tế của tỉnh Bình Định phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, góp phần xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tác giả bài viết: tongnv

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây