Theo Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 61 CCN, tổng diện tích 1.885,9 ha được quy hoạch phát triển. Trong đó, có 53 CCN, tổng diện tích 1.581,3 ha được thành lập; 51 CCN, tổng diện tích 1.540,1 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 57 CCN đa ngành nghề và 04 CCN chuyên ngành (CCN Tam Quan; CCN Cát Trinh; CCN thủy sản Mỹ Thành; CCN chế biến thủy sản Cát Khánh); 22 CCN đã phê duyệt dự án đầu tư hoặc chứng nhận đầu tư với tổng diên tích 699,3 ha.
Đến nay, có 46/61 CCN đã và đang tiến hành công tác bồi thường, GPMB; trong đó, có 18 CCN đã hoàn thành bồi thường, GPMB đạt 100% diện tích; có 10 CCN đã hoàn thành trên 50% diện tích và triển khai theo nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư. Có 12/61 CCN đã cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông nội bộ, hệ thống điện, cấp nước...); 28 CCN đang đầu tư dở dang. Tổng vốn đăng ký đầu tư hạ tầng kỹ thuật của 61 CCN khoảng 4.487,8 tỷ đồng, vốn đã thực hiện 1.664,3 tỷ đồng, đạt 37%; trong đó, vốn của các đơn vị thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư: 538,0/2.696,6 tỷ đồng, chỉ đạt 20%, vốn của 12 doanh nghiệp làm chủ đầu tư 14 CCN: 1.126,3/1.801,2 tỷ đồng, đạt 63%; tính riêng giai đoạn 2014-2019 vốn đã đầu tư khoảng 670,4 tỷ đồng, gồm: vốn ngân sách trung ương hỗ trợ 10,3 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 28,7 tỷ; còn lại ngân sách huyện đầu tư, vốn của doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các CCN và huy động vốn ứng trước của các cơ sở sản xuất đầu tư trong CCN. Bình quân suất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2,4 tỷ đồng/ha.
Hiện có 44/61 CCN đã đi vào hoạt động, có tổng diện tích quy hoạch 1331,6 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 910,5 ha và diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 535,4 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 60%; trong đó, có 10 CCN với diện tích 183,4 ha đã bố trí doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê đất và lấp đầy 100% diện tích; có 13 CCN với diện tích 560,7 ha đã bố trí doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê đất và lấp đầy trên 50% diện tích. Thu hút được 373 dự án đăng ký đầu tư sản xuất, kinh doanh tại 44 CCN; trong đó có 320 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng số vốn đăng ký đầu tư 8.005 tỷ đồng, vốn thực hiện 4.361 tỷ đồng, đạt 54,5%. Suất đầu tư bình quân 21,5 tỷ đồng/dự án và 1,4 ha/dự án. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong CCN đã giải quyết việc làm cho gần 18.500 lao động, với mức lương bình quân từ 4,5÷5,5 triệu đồng/người/tháng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (thứ 2 từ trái sang) thăm khu sản xuất Nhà máy may Tam Quan tại CCN Tam Quan - Chuyên ngành may mặc
Để CCN tiếp tục làm cơ sở phát triển công nghiệp nông thôn, trong giai đoạn 2021-2025, tập trung thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật 41 CCN với diện tích đất công nghiệp khoảng 600 ha phục vụ nhu cầu sử dụng đất cho các dự án sản xuất công nghiệp mới; tiếp tục đầu tư nâng cấp, tu sửa hạ tầng kỹ thuật bên ngoài để kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các CCN, ưu tiên đầu tư các tuyến đường vào CCN; triển khai Đề án Bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển CCN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên bố trí khoảng 50% diện tích phục vụ chế biến nông, lâm, thủy, hải sản trong CCN; khuyến khích, tăng cường thu hút các doanh nghiệp có năng lực tài chính đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật của các CCN trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 2.748 tỷ đồng.
Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các CCN theo quy hoạch. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là công trình hạ tầng bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả hoạt động các CCN trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện về mặt bằng sạch thuận lợi trong thu hút đầu tư. Ưu tiên vốn ngân sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài để kết nối đồng bộ các CCN tại địa bàn đặc biệt khó khăn./.