10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới của ngành Công Thương Bình Định

Thứ hai - 31/05/2021 23:59 199 111
Đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng luôn là một yêu cầu cấp thiết, được Đảng và nhà nước ta đặt mối quan tâm hàng đầu để bảo vệ sức khỏe nhân dân và người tiêu dùng nhất là trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như hiện nay.
Hình ảnh công tác kiểm tra, hậu kiểm về rượu trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020
Hình ảnh công tác kiểm tra, hậu kiểm về rượu trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020

Thực hiện theo tinh thần Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong hơn 10 năm qua công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả trên các phương diện sau:

1. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đối với vấn đề an toàn thực phẩm

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư,công tác an toàn thực phẩmthuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến đáng kể, sự quan tâmcủa lãnh đạo các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị về các chính sách và pháp luật về an toàn thực phẩmđược nâng lên rõ rệt. Sự chủ động phối hợp của các ban, ngành, Mặt trận tổ quốc, các Hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động, phối hợp triển khai công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩmluôn kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nhân dân nói chung. Ý thức trách nhiệm của lãnh đạo của Đảng, chính quyền các địa phương, đơn vị được nâng lên và đã có sự quan tâm đúng mức về công tác an toàn thực phẩm. Cùng với đó ý thức của đại bộ phận nhân dân trong việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn cũng đã thay đổi đáng kể.

2. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh

Ngày 17/6/2010 Quốc Hội ban hành Luật An toàn thực phẩm đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm thể chế hóa các quy định, thống nhất phương thức quản lý an toàn thực phẩm trên cả nước. Cùng chung mục tiêu đó, Sở Công Thương đã kịp thời chủ trì/phối hợp Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm như: Quyết định số 62/2016/QĐ-UBND ngày 30/11/2016 về việc phân cấp quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bình Định và Quyết định số 76/2020/QĐ-UBND ngày 01/12/2020 ban hành Quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Bình Định(thay thế Quyết định số 62/2016/QĐ-UBND ngày 30/11/2016)nhằm phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta.

3. Những kết quả nổi bậc và tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương

Với vai trò là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua Sở Công Thương luôn chủ động tổ chức triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội đoàn thể trong công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xây dựng các mô hình mới đảm bảo an toàn thực phẩm...

Công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục về an toàn thực phẩm được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp như: Tập huấn, tổ chức các hội nghị, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, báo, đài, pa nô, áp phích, tờ rơi, truyền thanh, truyền hình, kết hợp tuyên truyền trong các đợt kiểm tra an liên ngành về toàn thực phẩm như: Tết nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu... đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm an toàn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân (nhất là ở các khu vực vùng sâu vùng xa) chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn thực phẩm,một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn còn chạy theo lợi nhuận, cố tình sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

 

Hình ảnh về Công tác tập huấn chuyên môn về an toàn thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố

 

Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh ngày càng được tăng cường, nâng cao hiệu quả thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành. Hoạt động kiểm tra tập trung vào một số nội dung: giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố sản phẩm, xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe định kỳ, các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo theo quy định, đặc biệt chú trọng công tác lấy mẫu, phân tích kiểm nghiệm theo kế hoạch thanh kiểm tra của UBND tỉnh, kế hoạch kiểm tra của Sở Công Thương. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mới thực hiện được ở tuyến tỉnh, còn tại tuyến huyện và tuyến xã hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa được thực hiện do hạn chế về nhân lực và kinh phí, công tác kiểm tra chủ yếu thực hiện phối hợp liên ngành trong các đợt: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu,...

Công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng có nhiều thay đổi do phương thức quản lý an toàn thực phẩm chuyển từ tiền kiểm sang chú trọng công tác hậu kiểm nên số lượng cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cũng có sự thay đổi rõ rệt, cụ thể: trong giai đoạn 2011-2016 số lượng cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khoảng 235 cơ sở, sang đến giai đoạn 2017-2021 (Từ khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Nghị định 17/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành) số lượng cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm chỉ còn khoảng 30 cơ sở, phần lớn các cơ sở còn lại thuộc diện thực hiện cam kết an toàn thực phẩm. Các sản phẩm thực phẩm cũng thay đổi từ việc công bố sản phẩm sang tự công bố. Việc thay đổi phương thức quản lý đã tạo cơ chế thông thoáng, giảm áp lực về các thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực. Tuy nhiên, chính việc thay đổi này cũng đặt ra không ít thách thức cho công tác quản lý an toàn thực phẩm do hạn chế về việc tiếp cận, nắm bắt thông tin, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ gây khó khăntrong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Các mô hình xây dựng chợ thí điểm an toàn thực phẩm cũng được lãnh đạo ngành chú trọng phát triển. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị liên quan xây dựng thành công mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ Đầm (năm 2016, 2017) và chợ Tam Quan (năm 2019). Mô hình này đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của nhiều khách hàng góp phần tăng doanh số và lợi nhuận của người bán; các tiểu thương phấn khởi, có ý thức hơn chấp hành tốt các quy định về an toàn thực phẩm theo quy định, tạo được bộ mặt khang trang, văn minh góp phần thực hiện thành công trong việc xây dựng chợ văn hóa, một điểm sáng trong kênh phân phối truyền thống.

Các sản phẩm thực phẩm an toàn của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đã được quảng bá rộng rãi thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, v.v.... Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩmtrên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Từ những kết quả trên, nhằm tăng cường, phát huy hơn nữa vai trò quản lý, chỉ đạo đảm bảo an toàn thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Đảng, chính quyền ngành Công Thương xác định cần tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 14/10/2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Tác giả bài viết: truyendtt

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây