Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng

Thứ ba - 10/09/2019 23:59 210 969
“Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Trong thời gian qua, công tác chống tham nhũng ở nước ta đã đạt những kết quả nổi bật, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự nghiêm minh của  pháp luật. Thế nhưng, đâu đó, vẫn có những luận điệu xuyên tạc nhằm mục đích xấu xa.

Với quyết tâm cao, không có vùng cấm, Đảng và Nhà nước ta đã hành động quyết liệt để xử lý những vụ tham nhũng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Những vụ tham nhũng lớn, hay còn gọi là “đại án” tham nhũng, đã được đưa ra xét xử với các bản án nghiêm minh theo pháp luật hoặc đang được khẩn trương điều tra, làm rõ. Nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, trong đó có cả cán bộ đương chức (ông Đinh La Thăng, ông Võ Kim Cự, bà Hồ Thị Kim Thoa, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Huỳnh Đức Thơ, ông Trịnh Xuân Thanh...) và có cả cán bộ đã nghỉ hưu (ông Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Phong Quang, ông Dương Anh Điền,...).  

Để có căn cứ thi thành kỷ luật đảng viên vi phạm một cách công minh, chính xác, kịp thời, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Quy định số 94-QĐ/TW, khóa XI ban hành Quy định số 181-QĐ/TW. Trước thực tiễn sinh động của tình hình trong nước, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW (ngày 15/11/2017) về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (gọi tắt là Quy định 102) thay thế Quy định 181. Quy định 102 nêu rõ: “Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. Theo đó, mọi đảng viên dù giữ chức vụ gì, tuổi Đảng nhiều hay ít, đang công tác hay đã nghỉ hưu đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm. Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin, tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.

Theo thống kê chính thức, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018, cả nước có khoảng 1.300 đảng viên đã bị kỷ luật vì tội tham nhũng hoặc cố ý làm trái, tòa án đã xét xử sơ thẩm 436 vụ tham nhũng với 1.118 bị cáo liên quan. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, qua đó có 188 trường hợp và 335 người đã được chuyển sang cơ quan Cảnh sát để điều tra.

Thế nhưng, lợi dụng tính chất gay go, phức tạp của cuộc chiến chống tham nhũng, một số phần tử phản động và các trang mạng xã hội đã rêu rao luận điểm lệch lạc. Chúng xuyên tạc cho rằng, cuộc chiến chống tham nhũng thực chất là “cuộc chiến phe phái” và rằng đó là “cuộc đấu đá nội bộ”. Từ đó, gieo rắc tâm lý hoài nghi, dao động về mục đích, tính chất của công tác phòng, chống tham nhũng. Mục đích chỉ nhằm công kích Đảng, Nhà nước và tìm cách xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xoá bỏ chế độ hiện nay của chúng ta. Đây cũng là mục đích chung của các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị. Để gia tăng thêm "trọng lượng" cho thông tin của mình, chúng đưa ra những đánh giá mập mờ về cuộc sống của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; rồi phỏng vấn các “chuyên gia chính trị học’, “những nhà báo hiểu biết”. Tất nhiên, những “chuyên gia”, “nhà báo” này chẳng phải ai xa lạ. Vẫn là những danh sách các phần tử cực đoan chống đối, những kẻ cơ hội chính trị, hoặc chăng là những người mà độc giả chưa một lần được biết rõ danh xưng, họ tên, cơ quan hoạt động.

Với Đảng ta, ngay từ rất sớm, đã chỉ rõ tệ nạn tham nhũng ảnh hưởng đến sự lớn mạnh của Đảng, nguy cơ tồn vong của đất nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng Cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập ra Đảng ta đã coi tham ô, lãng phí là kẻ thù của nhân dân, là giặc nội xâm. Nó “phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm chính”. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã nhấn mạnh: “Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp Nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”.

Thực hiện theo tinh thần của Bác Hồ, suốt thời kỳ kháng chiến cũng như thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay, công tác phòng, chống tham ô, tham nhũng, quan liêu... luôn được Đảng ta triển khai quyết liệt và tạo nhiều cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý vững chắc. Bên cạnh đó, hàng loạt cơ chế, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng được hoàn thiện để ngăn chặn tham nhũng như: Tăng thẩm quyền cho Ủy ban kiểm tra các cấp, đề ra nhiều chế tài để xử lý đảng viên vi phạm, ngăn chặn tình trạng bỏ trốn ra nước ngoài khi có dấu hiệu tham nhũng... Những kết quả cụ thể chống tham nhũng thời gian qua, đặc biệt là việc khởi tố, bắt giam và xét xử hàng loạt “đại án” tham nhũng gây thiệt hại hàng nghìn, hàng chục nghìn tỉ đồng với các bản án nghiêm minh đã củng cố niềm tin trong xã hội, nhân dân.

Thực tiễn cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn rất phức tạp và gay go, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Điều đó, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các tổ chức, cấp ủy, chính quyền và nhất là sự đồng lòng của quần chúng nhân dân. Vì thế, chúng ta cần đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, không tạo cơ hội cho thông tin bẩn, sai lệch có cơ hội phát triển. Và có một sự thật hiển nhiên rằng, dù chúng có dùng “trăm phương, nghìn kế”, bằng âm mưu, thủ đoạn nào đi nữa cũng không thể phủ nhận được kết quả và ngăn cản được ý chí, quyết tâm đấu tranh loại trừ tham nhũng của Đảng và nhân dân ta./.

Tác giả bài viết: dungnv

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây