Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2019

Thứ năm - 27/12/2018 23:59 118 146
10 Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, bao gồm: Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Quốc phòng; Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Thể dục, thể thao. Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: an toàn thực phẩm, bảo hiểm y tế, tuyển dụng công chức… cũng có hiệu lực từ tháng 01/2019. Một số nội dung nổi bật như sau:
Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2019

1. Tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo

Luật Tố cáo năm 2018 gồm 9 chương, 67 điều (thêm 1 chương mới về trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo). Trong đó có nội dung đáng chú ý là quy định tiếp nhận, xử lý đơn tố cáo nặc danh có nội dung tố cáo rõ ràng. Cụ thể, trường hợp tố cáo nặc danh nhưng thông tin tố cáo có nội dung rõ ràng, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về người có hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý.

Luật mới cũng bổ sung quy định về rút tố cáo. Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Ngoài ra, Luật vẫn quy định 2 hình thức tố cáo: tố cáo bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo bằng fax hay email.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

2. Phòng ngừa, đấu tranh việc xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng

Với 7 chương, 43 điều, Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của Luật. Theo đó, Luật quy định đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này, trong đó nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

Để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật quy định doanh nghiệp trong, ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ giá trị gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

3. Quy trình cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP)

Một trong những nội dung nổi bật tại Thông tư 43/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương là quy định về quy trình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP lần đầu. Cụ thể:

- Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong 05 ngày làm việc;

- Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở trong 10 ngày làm việc, từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ;

- Tiến hành thẩm định thực tế tại cơ sở về tính pháp lý của hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở; thẩm định điều kiện ATTP tại cơ sở;

- Cấp Giấy chứng nhận trong vòng 05 ngày, từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”.

(Quy định về quy trình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP lần đầu áp dụng đối với các cơ quan có thẩm quyền, bao gồm: Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác được phân cấp)

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

4. Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại 9 tỉnh, thành

Theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ, có 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại cấp huyện và cấp xã, bao gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.

Riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 100% đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã sẽ triển khai thí điểm; tại 07 tỉnh, thành phố còn lại, có tối đa 25% số đơn vị hành chính cấp huyện và 25% đơn vị hành chính cấp xã tham gia thí điểm.

Thời gian thực hiện thí điểm là 01 năm, bắt đầu từ ngày 10/07/2019.

Quyết định 47/2018/QĐ-TTg này có hiệu lực từ ngày 10/01/2019.

Tác giả bài viết: huytq

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây