Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

Thứ hai - 30/11/2020 23:59 152 27
Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng là mục tiêu quan trọng đang được các cấp, các ngành quan tâm nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 tại Hà Nội
Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050 tại Hà Nội

Trong những năm qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh. Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Nhiều dự án năng lượng đã được đầu tư xây dựng, đặc biệt gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao. Hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, là điều kiện quan trọng cho việc bảo đảm an ninh cung ứng điện, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.

Tuy nhiên, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế: Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ. Công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc trong nhân dân.

Nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55).

Để triển khai Nghị quyết 55 có hiệu quả, đi vào hiện thực để ngành năng lượng phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa qua tại thành phố Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Trung tâm thông tin Năng lượng đã tổ chức Hội thảo quốc tế về Đẩy mạnh phát triển và tiết kiệm năng lượng tới năm 2030 và tầm nhìn năm 2050.

Hội thảo đã đề cập nhiều đến các khó khăn, vướng mắc, rào cản về cơ chế chính sách, đồng thời đề xuất các giải pháp hiệu quả, sát thực, đổi mới, sáng tạo và mang tính đột phá để các dự án năng lượng đẩy nhanh tiến độ đảm bảo mục tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết 55. Trong đó gắn với việc đẩy mạnh phát triển năng lượng đi đôi với việc tiết kiệm năng lượng nhằm đạt được mục tiêutỉ lệ tiết kiệm năng lượng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.

Việc phát triển năng lượng từ các nguồn như than, dầu khí, năng lượng tái tạo tốn kém nhiều kinh phí, nhiều năm mới đạt được những thành quả như bây giờ, nếu đầu tư phát triển năng lượng mà không tiết kiệm năng lượng, sẽ dẫn tới tình trạng lãng phí, hao mòn làm tổn hại đến tiền của nhân dân. Do đó, tiết kiệm năng lượng là mục tiêu, chiến lược quốc gia trong quá trình phát triển đất nước, nhất là việc thực hiện tiết kiệm điện trong tiết kiệm năng lượng. Điện năng là một nhu cầu tất yếu quan trọng không thế thiếu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân, do đó độ ảnh hưởng của nó rất sâu rộng và có giá trị đặc biệt. Vì vậy, tiết kiệm điện cần đi từ nguồn điện tới truyền tải, phân phối, sản xuất và tiêu dùng. Đối với nguồn điện thì phải tiết kiệm nhiêu liệu trong các nhà máy phát điện sẽ đóng góp một phần quan trọng trong tiết kiệm năng lượng. Đối với đường dây truyền tải điện cần phải đưa ra các chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng trên hệ thống; thực hiện bảo hành, bảo dưỡng tuyến đường dây, trạm biến áp, thay thế sớm các đường dây, trạm biến áp bị quá tải hoặc đầu tư đã lâu cũng là giải pháp tiết kiệm điện.

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch như than, dầu, khí là một giải pháp hàng đầu trong việc tiết kiệm năng lượng. Để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên như năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, rác thải … những năm vừa qua đã triển khai được một bước tích cực, đặc biệt trong việc phát triển điện gió, điện mặt trời và điện mặt trời trên mái nhà. Hiện tại, cả nước đã đạt được con số trên 5.000 MW điện gió và điện mặt trời, sản lượng điện phát ra khoảng 2,5 tỷ kWh/năm, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn bị một số rào cản về cơ chế chính sách, nên việc phát triển năng lượng tái tạo còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với tỉnh Bình Định, được coi là tỉnh có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Trong thời gian qua, để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió,tỉnh Bình Định đã tổ chức triển khai lập đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời, điện gió giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030, đồng thời cho chủ trương các nhà đầu tư thực hiện khảo sát, nghiên cứu lập đề xuất dự án đầu tư các dự án điện mặt trờivà điện gió. Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã trình Bộ Công Thương xem xét thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 24 dự án điện mặt trời của các nhà đầu tư đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chỉ có 05dự án điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực theo quy định, với tổng công suất là 529,5MWp. Trong đó có 02 dự án đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 99,5MWp và 03 dự án đang triển khai thi công xây dựng, dự kiến đưa vào vận hành phát điện trong tháng 12/2020, với tổng công suất 430MWp.

 

Hình ảnh: Nhà máy điện mặt trời Fujiwara Bình Định

 

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 01 dự án điện gió đi vào vận hành phát điện với công suất 21MW; 03 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục để thi công với công suất 90MW và 02 dự án điện gió đã trình Bộ Công Thương xem xét thẩm định, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch với với tổng công suất 175MW.Đặc biệt, tỉnh Bình Định với bờ biển dài 134km rất có tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện có nhiều Nhà đầu tư đăng ký khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện gió ngoài khơi. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương danh mục các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đề xuất tính toán đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII),với tổng công suất hơn 3.000MW.

Đi đôi với việc phát triển hệ thống nguồn và lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh đã Ban hành Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020 tại Quyết định số 4851/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 và Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2030 tại Quyết định số 4800/QĐ-UBND ngày 23/12/2019.

Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã góp phần tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Phổ biến Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả,cácvăn bản quy phạm pháp luật dưới Luật và các quy định khác có liên quan về sử dụng năng lượng an toàn tiết kiệm và hiệu quảđến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể nhằm đạt được một số chỉ tiêu về tổng mức tiết kiệm năng lượng, mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội.

Với nội dung, quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hy vọng rằng các cấp, các ngành sẽ có những đề xuất, giải pháp để triển thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực./.

Tác giả bài viết: tongnv

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây