Tình hình sản xuất công nghiệp Bình Định 2020

Thứ ba - 15/12/2020 23:59 159 162
Qua một năm nỗ lực phấn đấu, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 kết hợp với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án công nghiệp lớn; một số dự án trọng điểm triển khai chậm nhưng với sự cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp,hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăngtrưởng trên đà tăng của năm 2019, góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2020,giá trị sản xuất công nghiệp đạt 48.104 tỷ đồng, tăng 6,83%; chỉ số sản xuất công nghiệptăng 5,32% (tăng cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung[1])và tăng cao hơn cả nước 3,1%, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,9%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 35,24%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,52%; riêng công nghiệp khai khoáng giảm 3,43%.Trong năm đã có một số dự án công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất như: Nhà máy (NM)nước giải khát Tingco Bình Định, NM sản xuất dược phẩm Bidiphar công nghệ cao, NM sản xuất dược phẩm Bidiphar Betalactam; NM sản xuất thức ăn chăn nuôi Japfa Comfeed… góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
(Khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn Japfa Bình Định - nguồn Báo Công Thương)
(Khánh thành nhà máy sản xuất thức ăn Japfa Bình Định - nguồn Báo Công Thương)

Một số sản phẩm công nghiệp tăng khá so cùng kỳ nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ ổn định như tinh bột sắn (+20,16%); hộp, thùng bằng bìa cứng (+15,17%); dung dịch đạm huyết thanh (+9,2%); đá ốp lát (+12,45%); tấm lợpbằng kim loại (+44,79%). Nhờ dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị trì trệ sản xuất do cách ly xã hội phòng chống dịch bệnh, sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất không những duy trì được hoạt động sản xuất mà còn gia tăng lớn giá trị xuất khẩu. Trong năm 2020 đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,74%, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,9%, đã đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm có đóng góp tích cực vào phát triển công nghiệp của tỉnh, vẫn còn nhiều sản phẩm sản xuất giảm đáng kể, chủ yếu chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tiêu biểu sản phẩm của các ngành sau:

Ngành chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn ngành công nghiệp (40% giá trị sản xuất công nghiệp) chỉ tăng trưởng 0,35%, vẫn đang chịu sự tác động từ dịch bệnh Covid-19. Trong đó, hoạt động chế biến sữa tươi gặp khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội, các khu du lịch đóng cửa, hàng không bị cắt giảm chuyến bay, sữa học đường không tiêu thụ được, sản lượng sữa giảm 10,66%; sản xuất tôm đông lạnh và cá phi lê gặp khó khăn kép do việc thắt chặt các quy định về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà nhập khẩu, chịu ảnh hưởng “Thẻ vàng” của EC và dịch bệnh Covid-19, sản lượng sản xuất sản phẩm tôm đông lạnh giảm 41,6%, cá phi lê giảm 7,88%.

Ngành sản xuất đồ uống giảm 0,98%. Nghị định 100/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, cùng với ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn giãn cách xã hội, các khu du lịch đóng cửa; các lễ hội, hội nghị, hội thảo giảm đã tác động đến hoạt động sản xuất bia, sản lượng năm 2020 giảm 5,19% so năm 2019. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống đi vào hoạt động trong năm (nhà máy nước giải khát Tingco Bình Định) đóng góp tích cực trong cải thiện chỉ số sản xuất ngành sản xuất đồ uống năm 2020.

Ngành dệt may - da giàytăng thấp. Các doanh nghiệp may mặc thiếu nguyên liệu, nhu cầu tiêu dùng thấp, đơn hàng bị cắt giảm, nhiều doanh nghiệp đã linh động chuyển đổi hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường như mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ lao động nhưng hiệu suất không cao. Chỉ số sản xuất ngành sản xuất hàng may mặc tăng nhẹ 6,31%. Do gặp khó khăn về nguyên liệu trong quý 2/2020 và tìm kiếm đơn hàng sản xuất trong 6 tháng cuối năm nên sản lượng sản xuất giày dép giảm sâu, -52,15% so năm 2019.

Ngành chế biến vật liệu xây dựng: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các công trình xây dựng trở nên trầm lắng, nhất là các công trình xây dựng phục vụ du lịch - dịch vụ… tác động tiêu cực đến nhóm ngành này, như: gạch nung giảm 5,07%; gạch không nung giảm 8,09%; khai thác đá dăm giảm 2,79%; cấu kiện thép và cột làm bằng thép giảm 1,21%.

Các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp được quan tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện và hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển ổn định, đã tạo ra khối lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đại bộ phận người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Tác giả bài viết: hanhnt

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây