Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021.

Thứ hai - 30/11/2020 23:59 137 52
Sáng ngày 01/12/2020, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021. Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Phi Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị trực tuyến có các đồng chí đại diện: HĐND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Hải – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Báo cáo tóm tắt đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 còn những khuyết điểm, tồn tại đó là:

- Kinh tế của tỉnh tuy tiếp tục tăng trưởng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra, một số ngành, lĩnh vực gặp không ít khó khăn; đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp có mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây; ngành du lịch tăng trưởng âm.

- Tình hình thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong những tháng hè đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp cũng như tác động tiêu cực đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp, đất sản suất nông nghiệp; khai thác trái phép tài nguyên, khoáng sản còn xảy ra ở một số địa phương. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn còn những tồn tại.

- Trong năm chưa triển khai công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài vì tình hình dịch Covid-19 của các nước còn phức tạp. Từ đầu năm đến nay chỉ thu hút được 03 dự án FDI.

-  Cơ sở vật chất phục vụ các ngành y tế, giáo dục, văn hoá - thông tin, thể dục - thể thao tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tồn tại; đời sống, thu nhập của một bộ phận nhân dân, nhất là những người lao động trực tiếp, thu nhập thấp đang gặp khó khăn.

- Công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng hồ sơ giải quyết trễ hạn còn diễn ra. Trật tự an toàn xã hội và an ninh nông thôn ở một số địa phương có mặt diễn biến phức tạp, nhất là ảnh hưởng của tình trạng tín dụng đen.

Nguyên nhân của những khuyết điểm, tồn tại nêu trên là do ảnhhưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn và đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa; một số doanh nghiệp phải giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống người dân;… Bên cạnh đó, các đợt bão lũ trong các tháng cuối năm cũng đã gây thiệt hại đáng kể đến tình hình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, còn có một số sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao chưa đồng bộ, chặt chẽ; chỉ đạo xử lý một số vấn đề tồn tại chưa kịp thời, thiếu tập trung, kiên quyết. Sự phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương chưa thường xuyên, hiệu quả.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 nên có ý nghĩa rất quan trọng. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thiên tai dịch bệnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có nguy cơ tiếp tục tác động xấu đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân. Ở tỉnh ta, quá trình phát triển kinh tế xã hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức, trong khi phải dành nguồn lực để đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Vì vậy, trong năm 2021 tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; phát huy những kết quả đạt được trong năm 2020, tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, tận dụng những cơ hội mới, nhất là xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, phấn đấu tốc độ tăng trưởng trên mức trung bình so với cả nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng – an ninh; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

 Những giải pháp trọng tâm trong năm 2021

Trong năm 2021, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, đề án đã được phê duyệt theo kế hoạch, tận dụng những cơ hội mới, nhất là xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam… Sớm vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đồng thời, chú trọng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

- Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường;

- Duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp;

- Đẩy mạnh phát triển các hoạt động thương mại, du lịch và dịch vụ;

- Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tăng thu ngân sách, đặc biệt là thu từ nguồn cấp quyền sử dụng đất, chống tình trạng thất thu, lạm thu, giảm nợ đọng thuế;

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, giáo dục đào tạo, văn hóa, y tế,... sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;

- Tiếp tục nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội;

- Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tinhgiản biên chế; sắp xếp bên trong gắn với việc củng cố, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện; sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

Tác giả bài viết: anhvt

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây